Làm chủ cái miệng để sống đời hạnh phúc
Có những lời nói khi thốt ra làm tan nhà nát cửa, nước mất, nhà tan, tổn hại dân chúng; nhưng cũng có những lời nói làm cho gia đình sống an vui, hạnh phúc, biết sống yêu thương với nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Lưỡi chúng ta nếm những vị cay, đắng, mặn, lạt, chua, ngọt. Tất cả cái đó, cái nào hợp với lưỡi của mình thì ta thích, cái nào không hợp với lưỡi của mình thì ta không thích. Do ưa thích, hay không hợp khẩu vị, mà chúng ta phải chịu khổ từ ngày này sang tháng khác. Mỗi khi lên mâm cơm, thấy những món gì ta cho là thích hợp với lưỡi của mình thì bữa đó mình cảm thấy vui tươi, phấn khởi, ăn uống ngon lành.
Ngược lại, những món nào mình cảm thấy trái với sở thích của mình thì sinh bực dọc, cau có, khó chịu, do đó mà phải chạy đi tìm kiếm chỗ khác để cho vừa với miệng của mình. Chính vì vậy, mà ta hay bực bội gia đình, người thân một cách vô lý, nhất là những người nặng về ăn uống.
Lưỡi của chúng ta khi ăn món ngon vừa miệng, thì mình thấy thích và muốn ăn hoài, khi ăn món không hợp với khẩu vị thì sinh bực bội, cảm thấy khó chịu. Thích món ngon mà không được ăn, ghét món dở mà bị ăn hoài, đâm ra phiền muộn, khổ đau. Vậy cái lưỡi thích ngon, chán dở đó là đứa giặc thứ tư.
Nhớ lại quá khứ, dĩ vãng ngày xưa, khi chúng tôi chưa đi tu, mỗi khi tới giờ cơm, mở nồi thức ăn ra, không có những món khoái khẩu là tôi khua nắp vung lớn lên, rồi bỏ ra đi. Mẹ tôi nghe thấy vậy lắc đầu mà rơi nước mắt, không dám nói lời nào, sợ tôi buồn. Quả thật, “miếng ăn là miếng tồi tàn, không ăn một miếng lộn gan trên đầu”. May mà chúng tôi chỉ ăn chực của mẹ thôi mà còn vậy, tiền làm được thì tôi bỏ túi xài riêng. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy nhớ thương mẹ vô cùng, nhưng mẹ đã sớm ra đi trong cơn bạo bệnh còn đâu.
Tôi ngày xưa tán tận lương tâm với mẹ rất nhiều, nhưng mẹ tôi vẫn một lòng thương con mà chịu đắng cay, khổ sở trăm bề. Một chút dĩ vãng đau buồn, con xin nhắc lại, mong mẹ thứ tha cho con trẻ quá dại khờ.
Người biết tu bao giờ cũng tập cho lưỡi của mình đối với các vị mặn lạt, chua ngọt, đắng cay, vị nào cũng phải bình thường đối với lưỡi. Ta tu làm sao cốt cho thân tâm được an ổn, nhẹ nhàng là quí rồi; còn tất cả cái ngon dở của thức ăn, chẳng qua là phương tiện để nuôi sống bản thân, để mình có đủ sức khỏe, tâm thanh tịnh, sáng suốt mà tu hành, đạt được tự tại, giải thoát.
Căn lưỡi này đóng vai trò quan trọng nhất trong con người chúng ta, vì hằng ngày nó có nhiệm vụ đưa thức ăn, thức uống vào để có đủ sức khỏe, năng lực làm việc mà duy trì mạng sống; nhưng con người do chấp ngã, thấy thân này là thật, nên cứ một bề tẩm bổ, đưa vào các thức ăn mình cho là ngon.
Nhiệm vụ của lưỡi là nếm các vị, nhưng ngược đời thay, sở thích của mỗi người khác nhau, nên có người thích ngọt, có người thích mặn. Hai người cùng ngồi chung mâm thì sinh ra rắc rối, nên có thể dẫn đến cãi vả, bất đồng quan điểm với nhau, từ đó sinh ra oán giận, thù hằn cũng chỉ vì miếng ăn, thức uống.
Món ăn ngon ai cũng ưa thích và muốn ăn hoài, có những món ta biết ăn vào sanh bệnh, nhưng do không làm chủ được cái lưỡi thích nếm vị ngon mà hại cho cái thân. Nói chi xa, ngay nơi quí Phật tử mình đây ai cũng biết ăn mặn là tạo tội, ăn chay là tốt, vậy mà mấy ai làm chủ được cái miệng thích ăn thịt cá của mình đâu. Rồi cho đến quý thầy cô, tuy ăn chay nhưng lại khoái ăn đồ giả mặn, vì nó kích thích cái lưỡi của mình, cho đến có người thích ăn cay, ăn ớt. Bữa ăn nào mà không có ớt là khổ sở vô cùng, không thể ăn được.
Rồi có người ghiền rượu, bữa nào không có nó thì ngủ không được, nhưng khi có chút đỉnh thì về kiếm chuyện vợ con, lớn tiếng hành hạ, đánh đập. Thức ăn uống dù ngon cách mấy, nhưng khi nuốt vô khỏi cổ, qua khỏi cái lưỡi rồi, lỡ ói ra thì mùi vị chua lè, thấy phát ớn. Vậy mà chỉ vì ăn ngon một chút, ta nỡ nhẫn tâm giết hại bao nhiêu con vật để bồi bổ cho tấm thân này. Chúng tôi còn nhớ, trong dân gian có câu, “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”, nghe thật là thấm thía làm sao, người đời cũng vì miếng ăn mà sẵn sàng tranh giành, thậm chí dẫn đến giết hại.
Con người ta khổ là do sự chấp trước, dính mắc vào đó, đôi khi vì tham muốn quá đáng mà không biết cách kìm chế, nên để cho bệnh béo phì tấn công. Phụ nữ ngày nay mắc chứng bệnh này hơi nhiều. Mục đích của sự ăn uống là để nuôi sống thân này có sức khỏe tốt, để ta làm việc, đóng góp, phục vụ gia đình và xã hội.
Xã hội văn minh, tiến bộ quá nhanh, tiện nghi vật chất hiện đại, làm con người không biết cách làm chủ bản thân, vì không có thời gian nghiền ngẫm, suy tư đạo lý Thánh hiền. Từ đó, khổ đau bắt đầu có mặt, vì ta cứ mải mê chạy theo công danh, sự nghiệp mà quên mất chính mình.
Lưỡi ngoài việc ăn uống, nếm vị, còn có chức năng nói chuyện trong giao tiếp xã hội. Lời nói rất quan trọng, một lời nói tốt đẹp giúp mọi người sống an vui, hạnh phúc; ngược lại, làm cho tan nhà nát cửa, con mất cha, vợ mất chồng, anh em xa lìa cũng chính vì lời gian dối, hại người.
Ngày xưa, một người giàu có sai đầy tớ làm thịt heo và căn dặn kỹ càng, “nhà ngươi nhớ, sau khi làm heo xong phải để dành lại cho ta cái gì ngon nhất”.
Người đầy tớ vâng lời, chừa lại cho ông chủ cái lưỡi.
Vài ngày sau, ông chủ lại sai người đầy tớ mần tiếp con heo khác, nhưng lại dặn, “hôm nay, nhà ngươi để dành lại cho ta cái gì dở nhất trong con heo”.
Người đầy tớ sau khi làm heo xong cũng chừa lại cái lưỡi như lần trước, rồi dâng lên cho chủ. Ông nhà giàu thấy vậy bực quá, liền chửi mắng tên đầy tớ, “bộ mày điên hay sao, ngon cũng cái lưỡi, dở cũng cái lưỡi là ý gì?”Người đầy tớ thưa, “dạ, kính bẩm ông chủ, xin Ngài hãy mở lượng khoan dung mà suy xét lại kỹ càng. Khi chúng ta đối xử tốt với ai thì ta nói lời từ ái, dịu dàng, dễ nghe, làm cho người cảm mến, yêu thích. Khi ta thù ghét ai thì ta dùng lời nói ác độc, mắng nhiếc, chửi bới, nếu không thì cũng nói móc, nói méo, nói nặng, nói nhẹ, làm cho người phiền muộn, khổ đau. Cho nên, khi ăn ngon hay dở cũng từ cái lưỡi mà ra. Chính vì vậy, trước sau gì con cũng dâng lên ông chủ cái lưỡi là có nguyên nhân, kính mong ông chủ bình tâm mà suy xét lại”.
Ông nhà giàu ngồi lại ngẫm nghĩ một hồi lâu, mới thấy lời nói người đầy tớ thật là chí lý, nên ông ta gật đầu khen ngợi, “phải, phải nhà ngươi nói đúng lắm. Ta không ngờ có một người giúp việc như chú mày, chú mày quả thật là người có hiểu biết và nhận định sâu sắc như thế”.
Kể từ đó, ông chủ cho người giúp việc phụ tá và tư vấn vào những công việc chính đáng trong gia đình. Lưỡi có chức năng nếm các vị mặn ngọt, chua cay, chát đắng, để giúp con người biết được sự ngon hay dở, ngoài ra còn hỗ trợ cho miệng nói năng trong giao tiếp, sinh hoạt làm ăn, chính vì vậy mà anh đầy tớ nói ngon hay dở cũng chính là cái lưỡi.
Ông nhà giàu nọ thật có phước báo vô lượng, vô biên, nên mới có được người giúp việc hiểu biết và sáng suốt như thế, do đó anh đã cảm hoá được chủ. Nhờ vậy, ông mới hiểu ra, đạo lý Thánh hiền đều bắt đầu từ ý nghĩ rồi phát sinh ra lời nói, mới dẫn đến hành động tốt hay xấu.
Học chuyện xưa, chiêm nghiệm lời dạy cổ nhân, luôn giúp chúng ta có một nhận thức sáng suốt để thấu rõ kiếp người, được biểu đạt bằng miệng lưỡi, và thể hiện bằng lời nói có sức thuyết phục lòng người. Một cái lưỡi này mà làm nên lịch sử, giúp mọi người sống bình yên, hạnh phúc, nhờ ta biết vận dụng lời hay, ý đẹp trong cuộc sống hằng ngày.
Chúng ta muốn làm chủ bản thân để sống đời an vui, giải thoát, thì từ mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý đều phải biết quán chiếu với cặp mắt duyên khởi, vô thường, vô ngã. Nhờ vậy, ta bớt tham chấp mà có cơ hội gần với Niết Bàn.
Trong cuộc sống, từ cha mẹ cho đến anh chị em, họ hàng thân thuộc, vợ chồng con cái, thầy tổ, bạn bè, ai cũng cần có tình yêu thương qua lời nói. Cho nên, lời nói rất quan trọng trong đối nhân xử thế, một lời nói chân thành có thể giúp mọi người sống an vui, hạnh phúc, một lời nói giả dối làm cho con người oán giận, thù hằn.
Chúng ta có thể học nói trong ba năm, nhưng muốn đem lời nói vận dụng vào cuộc sống cho được êm thắm, hài hoà, nhiều khi hành cả đời cũng chưa xong. Lưỡi đóng vai trò rất quan trọng trong việc ăn uống, biết phân biệt ngon dở để nuôi cơ thể và kết hợp hài hoà với miệng mà nói năng, giao tiếp. Lưỡi kết hợp với miệng phát ra lời nói trong đối nhân xử thế, giúp nhân loại nương vào nhau mà phát triển về mọi mặt, công việc được tốt đẹp, hay rơi vào chiều hướng xấu, đều dựa vào lời nói. Cho nên, tục ngữ có câu, “lưỡi không xương nhiều đường lắc léo”. Nghĩa là cái lưỡi không xương, nên con người muốn nói kiểu nào cũng được, nói đúng, nói sai gì thì cũng từ cái lưỡi.
Có những lời nói khi thốt ra làm tan nhà nát cửa, nước mất, nhà tan, tổn hại dân chúng; nhưng cũng có những lời nói làm cho gia đình sống an vui, hạnh phúc, biết sống yêu thương với nhau bằng tình người trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi nói ta cần phải uốn lưỡi bảy lần, để không nói ra những lời vô nghĩa, có hại cho mọi người. Nói tóm lại, những gì ta nói làm khổ đau cho nhau thì không nên, và mình chỉ nói để mọi người sống với nhau bằng trái tim yêu thương, hiểu biết.
Nhận xét
Đăng nhận xét