Hết tiền , hết hạnh phúc ?!

Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, trong số những đàn ông bị vợ bỏ có đến 82% gặp khó khăn về tài chính. Ngược lại, tỷ lệ những ông chồng giàu có bị vợ đòi ly hôn là 13%
Từ lâu, người ta đã cho rằng, nhịp đập nóng hổi của con tim và hơi lạnh của đồng tiền là hai thứ kỵ nhau như nước với lửa. Nhưng ngày nay trong cơ chế kinh tế thị trường, làm sao để tình yêu không bị đồng tiền vùi dập?
Khi yêu, người ta thường bị chinh phục bởi những thứ không mấy liên quan đến tiền...
Tiền bạc không thể mua được tình yêu nhưng chắc chắn nó có khả năng tô điểm cho tình yêu của bạn. Muốn tặng nàng mấy bông hoa đẹp nhân ngày sinh nhật? Muốn có một bữa ăn ấm cúng và lãng mạn chỉ hai người ở một nơi nào đó? Làm thế nào đây nếu dốc ngược hầu bao chẳng có một xu?
Có người cho rằng, thời buổi kinh tế thị trường, cái gì cũng phải sòng phẳng. Cả tình yêu cũng thế! Tạp chí “Money” của Mỹ nêu vấn đề: “Tại sao bây giờ nam nữ bình đẳng mà khi ăn xong, các cô gái cứ thản nhiên ngồi đợi bạn trai trả tiền như là “giời sinh ra thế”? Lẽ nào vì chàng trai đã có niềm vui được cùng ăn với người đẹp? Thế còn phái đẹp, chẳng lẽ các cô không vui?”. Nữ chuyên gia tâm lý Bettina Arnt cũng thừa nhận: “Sự bất bình của đàn ông trong trường hợp trên không phải không có lý nhưng đã tính toán thì phải chi li. Thực ra, để nuôi dưỡng tình yêu, phái đẹp tốn kém hơn nhiều. Đàn ông lúc nào cũng chỉ tung hô “Cái đẹp muôn năm !”. Chẳng lẽ họ không biết rằng, để được khen là đẹp, chị em đã phải chi bao nhiêu phí tổn. Nào là quần áo luôn thay đổi để hợp mốt, mỹ phẩm để điểm trang, những cái đó không rẻ đâu. Đó là chưa kể các chàng trai thường đến nhà cô gái, nhưng muốn có một buổi tối tâm tình cũng phải chuẩn bị cái gì để vừa trò chuyện vừa nhâm nhi chứ? Chẳng lẽ những thứ đó không phải mua bằng tiền?

Phải thừa nhận rằng những người có nhiều tiền có rất nhiều lợi thế trong tình yêu và hôn nhân. Có anh chàng tấn công một cô gái trẻ đẹp nọ bằng cách tung tiền lấy lòng tất cả những người có liên quan. Thế là từ cha mẹ đến anh chị em ai cũng nhận được những món quà mình thích. Lại thêm cách cư xử tế nhị nữa nên ai cũng vun vào khiến cô không phải người tham tiền nhưng cũng khó mà không nghiêng ngả khi mỗi lần anh ta đến chơi được cả nhà hồ hởi đón tiếp. Cô đành chia tay với chàng kỹ sư nghèo đang đi xin việc, theo đuổi cô đã lâu, để lên xe hoa với người chồng giàu, mặc dù hơn cô đến hai chục tuổi. Còn trong cuộc sống vợ chồng thì khỏi phải nói đến sức mạnh của đồng tiền. Nó đáp ứng gần như tất cả những mong muốn của gia đình. Tất nhiên không phải cứ có tiền là hạnh phúc nhưng nó giảm đi rất nhiều cuộc cãi nhau không đáng có chỉ vì tiền.
Phụ nữ bây giờ thường kết hôn muộn, vì thế trước khi bước lên xe hoa, nhiều người đã có hàng chục năm công tác với một tài khoản đáng kể, đã có xe riêng, có khi cả nhà riêng. Nghĩa là họ đem vào cuộc sống chung những tài sản không phải là không có giá trị. Mà một khi phụ nữ đã trao trái tim cho ai thì cũng có nghĩa là trao luôn cả tài sản riêng của mình cho người đó. Phải chăng đó cũng là một lý do giải thích vì sao phụ nữ thành đạt ở các nước phát triển ngày càng nhiều người không muốn kết hôn, nhất là với những anh chàng chưa hết tháng đã hết tiền. Người viết bài này có quen biết một phụ nữ ly hôn đã hơn mười năm nay, sống với đứa con gái 14 tuổi. Chị làm phiên dịch cho một doanh nghiệp nước ngoài lương tháng độ nghìn đô. Nghe nói cũng có vài ba người đàn ông đến với chị nhưng chị vẫn chưa quyết định chung sống cùng ai. Chị cười: “Sợ nhất cái cảnh như cô bạn mình vớ được ông chồng đã chẳng kiếm ra tiền thì thôi, nhưng bữa nào không có mấy lon bia là mặt anh ta dài ra như cái bơm. Đúng là tự nhiên rước ngài về để ngài ... “cơm no bò cưỡi”!
Kinh nghiệm từ các phiên toà ly hôn cho thấy nhiều cuộc hôn nhân lúc đầu rất đẹp nhưng rồi về sau lại bị rạn vỡ vì những nguyên nhân ai mà lường trước được. Lúc đó, người phụ nữ thường ở lại với con và dù muốn hay không, họ cũng phải đương đầu với những khó khăn về kinh tế. Cho nên, ở nhiều nước phát triển hiện nay, trước khi kết hôn, hai người thường có một quy ước bằng văn bản, trong đó có cả vấn đề tài chính. Mỗi người có tài khoản riêng ở ngân hàng, tài sản cũng mang tên riêng. Lỡ có xảy ra chia tay khỏi mất thì giờ của toà án. Nhưng người ta nhận thấy, chính những đôi có quy ước rõ ràng như thế lại sống với nhau thoải mái và bền chặt hơn.

Khi kết hôn, chúng ta thường mang theo vào cuộc sống chung nhiều ước vọng. Chẳng ai muốn nghĩ đến tiền nong vì nó không ăn nhập chút nào với cái vẻ lãng mạn của tình yêu. Nhưng số liệu từ các toà án cho thấy không dưới 1/3 các cuộc hôn nhân tan vỡ vì lý do tài chính. Khi gia đình êm ấm, tài sản thường là của chung, đứng tên ai cũng được. Nhưng chính điều đó lại gây không ít khó khăn cho các vị chánh án. Nếu ngay từ thưở ban đầu, chúng ta không thống nhất với nhau quan niệm về đồng tiền thì chẳng khác nào dắt tay nhau mò mẫm đi tìm hạnh phúc. Bởi vì, thực tế đã cho thấy, con người thường nhìn nhận cách sử dụng đồng tiền trước và sau khi cưới không giống nhau. Chẳng hạn cô gái nào không thích những chàng trai hào phóng, biết mạnh tay mở ví trong trong những cuộc vui bạn bè. Nhưng rồi chính cô gái đó khi đã thành người vợ lại gọi tác phong ấy của anh ta là “đồ phá của”. Người ta thường bị chinh phục bởi những gì không mấy liên quan đến tiền nong nhưng tiếc rằng khi lấy nhau, người ta lại thường bị thuyết phục bởi tài năng của người bạn đời trong việc kiếm tiền. Một nghiên cứu ở Mỹ mới đây cho thấy, trong số những đàn ông bị vợ bỏ có đến 82% là những ông gặp khó khăn về tài chính. Tỷ lệ những ông chồng có nhiều tiền hoặc có thu nhập cao bị vợ đòi ly hôn chỉ có 13%.
Ngày trước, trong thời bao cấp, ai cũng sống bằng đồng lương và tem phiếu, kể cả những ngườì tài giỏi cũng chẳng có cách nào kiếm được nhiều tiền. Thu nhập, tài sản của mọi người đều na ná như nhau. Khi yêu rồi lấy nhau, không mấy ai quan tâm đến tiền bạc, vì có quan tâm cũng chẳng giải quyết được gì. Nhưng ngày nay, cơ chế kinh tế thị trường đang kéo theo nhiều thay đổi mà có khi chúng ta không ngờ tới, trong đó có cả cách nhìn nhận vai trò đồng tiền trong hạnh phúc lứa đôi?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến