Câu chuyện ‘sửa dép ruộng dưa’ hàm chứa đạo lý gì?
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta nghe thấy bậc lão niên khuyên người trẻ tuổi rằng: “Chớ sửa dép ruộng dưa”. Vậy “Chớ sửa dép ruộng dưa” có ý nghĩa gì, nó chứa đựng đạo lý gì?
“Chớ sửa dép ruộng dưa” có nguồn gốc chữ Hán là: “Qua điền lý hạ”, có nghĩa là “Ruộng dưa, gốc mận”, là cụm từ rút gọn từ hai câu: “Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chính quan”, có nghĩa là: Ở ruộng dưa thì không được cúi xuống chỉnh sửa giày dép, ở dưới gốc cây mận thì không được giơ tay lên chỉnh sửa mũ.
Hai câu này được trích trong bài thơ “Quân tử hành” của Tào Thực (đời Tam quốc) như sau:
“Quân tử phòng vị nhiênBất xử hiềm nghi gianQua điền bất nạp lýLý hạ bất chính quan.”
Dịch nghĩa:
Người quân tử đề phòng khi sự việc còn chưa xảy raKhông ở trong hoàn cảnh có thể gây ra hiềm nghiĐi qua ruộng dưa thì không cúi xuống chỉnh sửa giàyĐi qua vườn mận thì không giơ tay chỉnh sửa mũ.
Câu này cũng giống như câu thành ngữ “Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị”, tức là người quân tử phòng thân, đề phòng tránh những khả năng xấu có thể xảy ra, tránh hiềm nghi, còn tiểu nhân đến khi có sự việc rồi thì mới phòng bị để đối phó. Đó cũng chính là sự khác biệt về tầm nhìn của người bình thường và người xuất sắc.
Trong truyện Quan Âm Thị Kính cũng có câu:
“Ngán thay sửa dép ruộng dưa,Dẫu cho ngay chết, cũng ngờ rằng gian.”
Về điển cố liên quan đến câu thành ngữ này, còn có hai câu chuyện sau.
Câu chuyện thứ nhất:
Viên Duật Tu là người Lâm Chương nước Bắc Tề (Lâm Chương, Hà Bắc ngày nay) thời Nam Bắc triều. Ông là người chín chắn, già dặn ngay từ khi còn ít tuổi, tính cách trầm tĩnh, kiến thức sâu rộng. Tương truyền ông 9 tuổi đã làm Chủ bạ Liễu Châu, 18 tuổi làm Trung chính Liễu Châu, kiêm Thượng thư Độ chi Lang trung. Sau đó lại thăng làm Thái thú Bác Lăng, có thành tích xuất sắc, có danh tiếng lớn. Sở dĩ ông có thành tích và danh tiếng lớn, chủ yếu là vì ông luôn tự giữ mình là quan thanh bạch, không hề nhận bất cứ quà cáp nào.
Tương truyền trong 18 năm làm Thượng thư, ông không nhận bất cứ quà gì, thậm chí không uống chén rượu của người khác. Do đó, khắp vùng ông làm quan, nhiều văn nhân đã liên danh lập bia ca ngợi, đồng thời tặng ông danh hiệu cao nhã: “Thanh Lang”. Đương nhiên Thanh Lang cũng có nhiều lúc khó khăn, khó xử. Một lần, Viên Duật Tu đến phương xa khảo sát địa chủ, quan lại, trên đường đi qua Duyện Châu. Thứ sử Duyện Châu chính là Hình Thiệu, một người bạn thân của ông. Sau khi hai người hàn huyên chuyện từ khi ly biệt, Hình Thiệu đem một súc lụa ra muốn tặng Viên Duật Tu làm kỷ niệm.
Việc này khiến Viên Duật Tu khó xử. Không nhận, sợ đắc tội với bạn. Nhận, lại sợ gây ra hiềm nghi không cần thiết. Nhưng sau khi suy đi tính lại, Viên Duật Tu cuối cùng cảm ơn và từ chối, đồng thời để lại thư rằng: “Tôi lần này trên đường qua đây, không giống như bình thường đâu. Qua điền lý hạ, người xưa rất cẩn thận. Chúng ta không được quên người xưa nói, đi qua ruộng dưa, không được cúi xuống chỉnh sửa giày, đi dưới cây mận, không được giơ tay lên chỉnh sửa mũ. Chỉ có như thế, chúng ta mới tránh được hiềm nghi. Tâm ý của bạn tôi đã nhận. Lụa trắng thì không thể nhận, không thể để lại lý do cho những lời đàm tiếu thêu dệt bất hảo”.
Hình Thiệu hiểu tâm tư của Viên Duật Tu, cũng không gắng ép ông.
Câu chuyện thứ hai:
Thời Đường Văn Tông đời Đường, đại thư pháp gia Liễu Công Quyền là người trung thành chính trực, thẳng thắn, giỏi nói, giỏi can gián, làm quan chức Thị lang bộ Công. Đương thời có viên quan là Quách Ninh đưa hai con gái vào cung, thế là Hoàng đế bổ nhiệm Quách Ninh làm quan huyện Bưu Ninh (Huyện Bưu, Thiểm Tây ngày nay).
Mọi người xì xào bàn tán về chuyện này. Hoàng đế bèn đem chuyện này hỏi Liễu Công Quyền: “Quách Ninh là cha kế của Thái hoàng thái hậu, làm quan chức Đại tướng quân, từ khi làm quan đến nay, không có lỗi lầm gì, hiện nay chỉ cho ông ta làm quan huyện Bưu Ninh bé nhỏ, có gì là không thỏa đáng?”.
Liễu Công Quyền nói: “Chiểu theo thành tích và cống hiến của Quách Ninh mà nói, bổ nhiệm ông ta làm quan huyện Bưu Ninh, vốn là hợp tình hợp lý, không có gì phải bàn cãi. Nhưng những người bàn tán đó lại đều cho rằng, do ông ta đưa hai con gái vào cung nên mới được chức quan đó”.
Đường Văn Tông nói: “Hai con gái Quách Ninh là vào cung hầu Thái hậu, không phải hiến cho trẫm”.
Liễu Công Quyền trả lời: “Hiềm nghi qua điền lý hạ, mọi người có phải ai cũng phân biệt được rõ ràng đâu?”.
***
Con người sống trong xã hội, trong quần thể, nên có các mối quan hệ xã hội, vậy nên có người yêu kẻ ghét, người khen kẻ chê là điều không tránh khỏi. Vậy nên, sống theo tiêu chuẩn đạo đức, chân thành, thiện lương, nhân ái, là điều các nhân sỹ trí thức, những người có lương tâm vẫn thường theo đuổi.
Có người nói, mình cứ sống tốt, có tâm tốt, có thiện tâm, thiện lương là được, không cần để ý lời bàn tán của người khác. Nguyên tắc này rất đúng đối với cá nhân họ, nhưng đối với quần thể người, đối với tập thể thì chưa chắc đã là sáng suốt. Như Đường Văn Tông, mặc dù mọi việc ông làm rất đúng, rất chính, nhưng không suy nghĩ sâu xa “qua điền lý hạ”, khiến triều thần nghi kỵ, bàn tán, phân rẽ, gián cách… Nếu tình hình này không được cải thiện thì triều đình khó mà làm việc hiệu quả được.
“Qua điền lý hạ” thể hiện trí tuệ đối nhân xử thế của người xưa, biết dự tính, đề phòng những điều bất lợi không đáng có, có thể xảy ra. Việc này cũng rất giống những bậc thầy y học xưa: Trị bệnh khi còn chưa manh nha phát bệnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét