Người ta khổ vì chọn nhầm con đường

- Một bước sơ sảy đã dẫn sang con đường khác, rồi không kém gì mê cung. Nhiều lúc ngẩn ngơ đứng mãi ở ngã 3 đường, tự hỏi, có thể nào không bước tiếp được không. Đời bảo: Xin lỗi, không nhé! Ta không đi, nó cũng tự xô ta đi.
***
Ngày xưa đi học, có một bài thơ về con đường. Của ai tôi không nhớ nữa, chỉ biết đại ý, bài thơ kể về một con đường trước nhà, có hàng xoan mỗi mùa xuân lại rụng tím cả con đường. Con đường ấy, nâng bước chân đầu tiên của cô con gái nhỏ, từ những bước lẫm chẫm trong tay ba. Rồi cô vào tiểu học, đôi chân nhỏ mỗi chiều lại nhảy chân sáo trên đường. Con đường đi ra mỗi ngày, đi về mỗi ngày, dẫn cô đến với thế giới. Con đường dẫn từ nhà, qua vòng tay ba, đến tiểu học, rồi trung học, con đường ngày một dài, một dài cho đến khi cô trưởng thành, bay nhảy khắp nhân gian, đôi chân không biết đã đặt lên bao nhiêu con đường những nơi khác. Con đường nhỏ trước nhà vẫn nằm im, rặng xoan tím ngắt mỗi xuân sang giờ không còn, đôi chân ba đứng cuối đường đón chờ nơi cổng nhà cũng không còn. Rồi cuối đời, khi chân đã mỏi, con đường lại chờ cô bé năm nào trở về.
Lần đầu đọc xong bài thơ này, tôi đã khóc. Vì nó sao giống con đường nhà mình, cũng có những hàng xoan tím ngơ tím ngắt. Và tất nhiên, trong trí óc non trẻ ấy hình dung ra cái kết buồn, cứ thế khóc một lúc đến khi nhận được điện thoại mẹ gọi. Mẹ hỏi: "Cuối tuần có về không con?"
Tôi lớn lên, con đường tôi đi cũng đổi khác. Không chỉ là còn là con đường đơn thuần nối những điểm đến của con người. Đi làm, va vấp vào cuộc đời, số con đường cũng nhiều như mạng nhện, như mạng lưới giao thông vậy, tăng theo số tuổi trưởng thành.
Nếu hồi nhỏ, con đường duy nhất chúng ta có là cuộc sống bên ba mẹ, ba mẹ chọn lựa, sắp đặt cho bạn ăn gì, mặc gì, đi học ở đâu, người ta chỉ có 1 con đường duy nhất ra là trưởng thành và bước ra khỏi ngôi nhà ấm áp. Thì lớn lên, đường học, đường tình, đường công việc, đường làm ăn… đủ con đường bắt ta chọn lựa. Lúc ấy, thấy sao nhiều ngã 3, ngã 7 đến thế. Một bước sơ sảy đã dẫn sang con đường khác, rồi không kém gì mê cung. Nhiều lúc ngẩn ngơ đứng mãi ở ngã 3 đường, tự hỏi, có thể nào không bước tiếp được không. Đời bảo: Xin lỗi, không nhé! Ta không đi, nó cũng tự xô ta đi.
Thế thì đâu còn là con đường, là dòng nước đấy chứ! Đi đường thủy, đường sông, muốn đi theo ý mình phải biết bơi, không thì phải có tiền đi đò, đi tàu, không thì xin lỗi, chưa chết chìm là may.
Một số người nói, hạnh phúc là một con đường, chứ không phải điểm đến. Một số ít hơn nữa thì nói rằng, hạnh phúc là đây, là phút giây này.
Mỗi bước trên đường đời chính là hạnh phúc. Và vì đường đời chẳng dừng lại được, nên hạnh phúc chính là mỗi sát na bạn đang ở trên con đường đời ấy vậy.
Ngẫm lại, ai nói điều gì cũng chẳng đúng, chẳng sai, đường là đường, hạnh phúc là hạnh phúc. Ai thấy hạnh phúc ở trên đường, ai thấy đường đi đến hạnh phúc cũng chẳng có gì khác nhau.
Sau cùng, đến đây rồi, tôi lại nhớ đến câu trích kinh điển của Lỗ Tấn: trên đời này vốn dĩ làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường mà thôi!


Có lẽ ý nghĩa chữ “đường” ở đây của cụ Lỗ Tấn, nó thâm thúy hơn con đường quốc lộ, con đường mòn, hay thậm chí con đường đời, hoặc có thể nó vốn dĩ chỉ là một câu ông thốt lên khi đã đi quá nhiều con đường, thấy quá nhiều điều mà rồi tâm trí tự nó chốt lại như vậy.
Ngồi nghĩ về con đường để nghĩ về cái đích, cái mong cầu và sự muốn của mình, sẽ đi về đâu. Vậy cơ bản, những thứ làm ta rối, không phải đường đi như thế nào mà là cái đích ấy làm ta rối. Bởi để tìm đến cái đích ấy, ta phải tìm đường. Và đi đường nào làm ta bớt đau khổ. Suy cho cùng chỉ là chữ muốn, có đích đến, ắt sẽ có đường. Nhà Phật dạy về sự buông bỏ bớt ham muốn, sẽ bớt khổ. Phải chăng khi bớt đi vài cái đích không cần thiết, người ta cũng bớt đau đầu về những con đường. Và người ta quay về sơ khởi. Vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường. Vì người ta muốn đi đâu đó, và muốn đi mãi thì thành đường mà thôi.
Người ta khổ vì đi không phải lối
Đến sai nơi và lựa chọn nhầm đường!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến