Gần nửa thế kỷ ngọt ngào giai điệu “Bài thánh ca buồn”
- “Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Nô-en năm nào chúng mình có nhau…” Giai điệu ngọt ngào đó hẳn đã thân quen với rất nhiều người. "Bài thánh ca buồn" viết về chủ đề Giáng sinh nhưng không chỉ nói về Nô-en mà đó chỉ là cái cớ để người ta tha thiết nhớ nhung về những hẹn ước, chia ly rồi hoài niệm tiếc nhớ những đắm say của tình yêu đôi lứa.
Chính vì vậy, bài hát đã vượt ra khuôn khổ của một kỷ niệm rất riêng tư về một cuộc tình thời trai trẻ của tác giả để trở thành khúc tình ca được nhiều thế hệ khán giả yêu thích.
Tác giả của "Bài thánh ca buồn" tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, nghệ danh khi sáng tác là Nguyễn Vũ. Ông sinh năm 1944 tại Hà Nộị, lớn lên ở Đà Lạt, sau đó lập nghiệp, sinh sống tại Sài Gòn. Nguyễn Vũ sáng tác không nhiều, nhưng những sáng tác của ông đều để lại ấn tượng do chạm đến sâu thẳm trái tim người yêu nhạc.
Nguyễn Vũ dường như sinh ra là để dành cho âm nhạc. Năm 1956, khi mới 12 tuổi, ông đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi do Đài Phát thanh Đà Lạt tổ chức. Năm 23 tuổi, ông có bản nhạc đầu tay “Huyền thoại một chiều mưa”… Tháng 10/1972, khi đó Nguyễn Vũ 28 tuổi, ông nhận được lời đề nghị của một nhà sản xuất âm nhạc sáng tác một tình khúc cho mùa Noel năm ấy.
Ai cũng biết, để có một sáng tác hay theo "đơn đặt hàng" là rất khó nên khi đã nhận lời nhà sản xuất, Nguyễn Vũ phải mất nhiều ngày loay hoay tìm đề tài, tìm cảm hứng sáng tác. Theo ông kể lại, đang trong tình thế đó, bất chợt giai điệu của bài hát bất hủ Silent Night (Đêm thánh vô cùng, lời: Josef Mohr, nhạc: Franz Xaver Gruber) vang lên tại nhà.
Bìa một album "Bài thánh ca buồn" (hình internet) |
Bài hát này gợi cho ông rất nhiều cảm xúc để hồi tưởng về thời thơ ấu. Thuở khi ông chỉ là cậu bé 14 tuổi. Lúc đó, nhà nhạc sĩ ở cạnh con dốc lên nhà thờ Con Gà trên phố núi Đà Lạt mờ sương. Chiều chiều khi thánh đường thong thả buông tiếng chuông ngân, có nàng thục nữ ngoan đạo đi ngang qua nhà ông để đến lễ nhà thờ trong tà áo dài trắng thướt tha. Chàng trai Nguyễn Vũ lặng lẽ theo sau cô ấy nhiều lần cho đến một hôm đúng ngày lễ Giáng sinh, trời mưa lất phất khiến cả hai không hẹn mà tình cờ cùng núp dưới mái hiên...
Và rồi hình ảnh đậm chất thơ đó đi vào bài hát, say đắm, ngọt ngào: "Bài thánh ca đó còn nhớ không em/ Noel năm nào chúng mình có nhau/ Long lanh sao trời thêm đẹp môi mắt/ Áo trắng em bay như cánh thiên thần/ Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân..."
Hình ảnh đó đã đi vào tình khúc "Bài thánh ca buồn", chân thật mà hư ảo. Người con gái đó là mối tình đầu của Nguyễn Vũ, nhưng cũng có thể đó chỉ là "nàng thơ" trong sáng tác của ông? Thiết nghĩ cũng không cần phải cắt nghĩa rạch ròi.
Chỉ biết mối tình đó đắm say, lãng mạn nhưng cũng thanh khiết quá! Yêu nhau, ai chẳng cùng nguyện ước tình yêu bền chặt cả đời: "Cùng nhau quỳ xuống chân chúa cao sang/ Mong cho đôi mình suốt đời có nhau..."
Nhưng rồi cũng như quy luật của mối tình đầu mong manh, sau những say đắm buổi ban sơ, tình yêu đã chỉ còn lại là những hoài niệm, nhung nhớ: "Rồi một ngày áo trắng thay màu/ Em qua cầu xác pháo theo sau..." Rồi thì, sau những đắm say là những rụng vỡ, chia ly, chỉ còn lại những hoài niệm về một cuộc tình trong ký ức... Có lẽ đó cũng là lý do bài hát vượt ra ngoài khuôn khổ kỷ niệm riêng tư để trở thành mối tình chung của nhiều người, là tình khúc của những trái tim yêu...
Theo đánh giá của giới nghiên cứu, ca khúc Bài thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ mang đầy đủ những yêu tố cơ bản để làm nên một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Đến nay, ca khúc này vẫn luôn là một trong những bài tình ca Việt Nam tinh tế trong giai điệu lẫn ca từ, thấm đẫm tâm hồn lãng mạn, nồng nàn của một nhạc sĩ tài năng.
Bao mùa Giáng sinh đã đi qua, Bài thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ đã được nhiều thế hệ ca sĩ chọn hát. Giới sành nhạc nhận xét thì ca sĩ Elvis Phương là người trình bày thành công tác phẩm này nhất. Sau này, có nhiều ca sĩ trẻ say mê dòng nhạc bolerro như Thái Châu, Đàm Vĩnh Hưng cũng trất thành công với "Bài thánh ca buồn". Điều này khiến nhạc sĩ Nguyễn Vũ rất vui. Nhưng cũng có một điều khiến ông buồn vì nhiều ca sĩ dù trình bày rất hay, góp phần làm nên tình khúc đó nhưng họ đều hát sai lời bài hát. Chẳng hạn hình ảnh "áo trắng thay màu" bị hát thành "áo trắng phai màu" khiến chất thơ trong nhạc phẩm của vị nhạc sĩ tài hoa bị hiểu sai, giảm đi rất nhiều...
Nhận xét
Đăng nhận xét