Nhớ quê...
Bước chân rời quê, ngoảnh lại đã 45 năm..
“Quê nhà còn đĩa dầu hao
Dập dềnh hoa súng ướt sao cuối trời…”
Hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thế Vinh luôn gợi lại tôi về tuổi thơ, về vùng Kinh bắc văn hiến ngàn năm.
Định nghĩa về vùng chiêm, nhà bác học Lê Quý Đôn cho rằng: “Người Nam giao tiếp với người Chiêm Thành nên trồng được thứ lúa chín về mùa hè gọi là chiêm”
Cứ mỗi khi mùa mưa đến là cả vùng lại mênh mông trắng nước. Đồng đất quê tôi lại không bằng phẳng thẳng cánh cò bay mà gập ghềnh chỗ cao chỗ trũng, chỗ cấy lúa được, chỗ là đầm lầy nuôi cỏ năn cỏ lác. Đồng đất như vậy nên trước đây quê tôi luôn chỉ có hai mùa trồng cấy rõ rệt, đó là vụ lúa chiêm và vụ lúa mùa.
Trước đây, sau khi gặt lúa mùa vào tháng Mười xong, các cánh đồng vào mùa khô hạn. Để tránh đất gan gà khô cứng, đồng ruộng nhanh chóng được cày vỡ, rồi cuối kỳ heo may, khi những tảng đất cày lên se trắng mép là cả nhà, cả làng ra đồng xếp ải. Mẹ tôi bảo một hòn đất ải bằng một nải phân. Tôi nghe không hiểu, mẹ bảo đồng ruộng quê mình thuần thứ đất gan gà, sục xuống nửa gang tay là gặp đất sét, muốn cây lúa tốt được ngoài phân chuồng phân xanh bón ruộng, ông bà đã nghĩ ra cách xếp ải. Tức là xếp những hòn đất cày chồng chéo nhau thành hàng thành lối. Nắng gió làm cho những luống đất xếp khô trắng, ải ra, đến mùa cấy dẫn nước vào ruộng, những luống đất ải khô xốp ấy đổ xuống liền tơi nhuyễn, vừa làm tốt đất, vừa đỡ công cày bừa, rễ lúa mà bén vào đất ải thì chẳng gì sánh bằng.
Sau này lớn lên tôi mới biết, đất ải chính là dưỡng chất thiên nhiên trong đất phơi ải được tạo nên bởi nắng hanh, mưa phùn, gió bấc. Với nông dân còn gì vui hơn khi trên ruộng nhà mình thấy những hàng đất xếp ải tự diệt cỏ, tự làm phân, tự làm bùn ngấu từ khi chưa có nước. Còn gì vui hơn khi các nhà đổ ra đồng náo nức cho dòng nước dẫn vào ruộng để đổ ải. Trong trời đất tháng chạp se lạnh, trong háo hức của trẻ, của già, tiếng sèo sèo, sủi bọt từ những hàng đất xếp luống khô xác nổi lên, rồi những hàng đất đó tự đổ, tự bở, chỉ một lúc sau mặt ruộng đã lấp lánh ánh nước, cho vài đường bừa mặt ruộng đã phẳng như gương, bước chân trên mặt ruộng đã cảm nhận được mùi rữa nát của từng gốc rạ, mùi hoai hoai của bùn. Sau này, trong thời kỳ hợp tác xã phát triển, hệ thống thủy lợi dần hoàn thiện và chủ động được tưới tiêu, đồng ruộng được thâm canh lên hai vụ rồi ba vụ, đất đai không được nghỉ ngơi, phân hóa học lấn át phân hữu cơ, việc cày ải, đổ ải dần mai một và cho đến nay thì đồng ruộng khắp vùng hầu như không còn không khí dẫn nước vào ruộng ải nữa, tiếc lắm thay.
Lại nói về lúa chiêm. Sau năm 1954, Bộ Canh nông nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khảo sát vùng đồng bằng Bắc Bộ, ghi được 49 giống lúa chiêm, 80 giống lúa mùa. 49 loại lúa chiêm ấy tôi không được biết hết, song tôi nhớ vùng tôi có lúa tẻ, tẻ bầu, chiêm di, dự, chiêm bảo. Gạo tẻ hạt trắng, cơm nhiều nhựa. Gạo tẻ bầu hạt to, màu nâu đỏ, cơm rất cứng, ăn kỹ no lâu. Gạo dự cơm mềm thơm nức mũi. Gạo chiêm di, chiêm bảo gạo hạt to, màu trắng đục, cơm thơm, càng nhai càng bùi...
Cái đặc biệt là những loại lúa chiêm sống được trên đồng đất quê tôi xưa trước tiên phải chịu được hạn, được úng. Hạn nứt lọt bàn tay vẫn có thể kết đòng. Cây lúa ngâm nước cả tháng vẫn có thể kết hạt. Bởi vào khoảng từ cuối tháng Ba, tức là sau những trận mưa ra giữa vụ thì đồng ruộng quê tôi đều ngập sâu trong nước nên loại lúa tẻ nào muốn sống được cũng phải cao ngang ngực người hoặc ngập đầu người. Vào mùa nước, người đánh vật với đói giáp hạt, với “nước ngập bờ tre trăng vàng đầu ngõ/Đôi mắt buồn thăm thẳm tháng Ba trôi”, lúa đánh vật với nước để ngoi lên, để kết hạt.
Và nữa, năm nào thuận thì đi thắt ống quần chống đỉa gặt lúa bằng liềm, lúa thành gối lên trốc rạ để bốc lên thuyền nan, gặp năm nước lụt phải bì bõm trong biển nước ngập đến ngang ngực, bì bõm lấy lưỡi hái quơ lượm từng bông lúa ngoi ngóp bỏ vào thuyền. Câu “xanh nhà còn hơn già đồng” chắc xuất xứ từ đồng đất quê tôi.
Vậy đó, người dân quê tôi dễ thích nghi với thiên nhiên khắc nghiệt, cây lúa quê tôi dễ thích nghi với đồng đất lúc khê lúc úng. Khi làm đất thì làng xóm chúng tôi nhắc nhau “Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”. Khi đồng khê ruộng nẻ thì chúng tôi rủ nhau: “Lúa khô nước cạn ai ơi/Rủ nhau tát nước, chờ trời còn lâu”. Để làng cấy đúng mùa vụ thì nhắc nhau: “Lúa cấy tháng chạp đạp không đổ”, “Đói thì ăn củ, ăn khoai/chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng”, “Lúa trổ thanh minh thì vinh cả xã, lúa trổ lập hạ buồn bã cả thôn”, “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Được mùa thì đừng quên công ơn của trời đất: “Nhờ trời được chữ bình yên/Rơm thì lên đống thóc chiêm vào bồ”…
Vào những năm 60 của thế kỷ hai mươi, đồng đất quê tôi được lột xác từ cuộc cách mạng thủy lợi của đất nước.Trong những năm bắt đầu xây dựng hợp tác xã nông nghiệp đó, nếu không có chủ trương đúng của Đảng, không có sức người sức của tập trung thì không biết bao giờ vùng quê tôi mới thoát khỏi nạn úng ngập, khô hạn. Có chủ động được tưới tiêu thì vụ xuân mới vào được quê tôi. Loại lúa xuân sinh trưởng không quá một trăm hai mươi ngày đã thay thế loại lúa chiêm sinh trưởng tới trên dưới hai trăm ngày, đưa năng suất lúa từ hơn hai tấn một ha lên bốn đến năm tấn một ha. Rồi còn thêm một vụ đông. Rồi mương máng dọc ngang cánh đồng, ruộng liền bờ, ruộng bám tận chân tre… từ một vùng chiêm thối mùa khê “đất không nuôi nổi người” năng suất, sản lượng lúa trên đồng đất quê tôi có thể sánh ngang với bất kỳ vùng quê nào trên đất nước…
Hôm nay, làng lên phường, thôn nên phố nhưng đối với thế hệ chúng tôi hồi ức xưa thật khó phai…
“Quê nhà còn đĩa dầu hao
Dập dềnh hoa súng ướt sao cuối trời…”
Hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thế Vinh luôn gợi lại tôi về tuổi thơ, về vùng Kinh bắc văn hiến ngàn năm.
Định nghĩa về vùng chiêm, nhà bác học Lê Quý Đôn cho rằng: “Người Nam giao tiếp với người Chiêm Thành nên trồng được thứ lúa chín về mùa hè gọi là chiêm”
Cứ mỗi khi mùa mưa đến là cả vùng lại mênh mông trắng nước. Đồng đất quê tôi lại không bằng phẳng thẳng cánh cò bay mà gập ghềnh chỗ cao chỗ trũng, chỗ cấy lúa được, chỗ là đầm lầy nuôi cỏ năn cỏ lác. Đồng đất như vậy nên trước đây quê tôi luôn chỉ có hai mùa trồng cấy rõ rệt, đó là vụ lúa chiêm và vụ lúa mùa.
Trước đây, sau khi gặt lúa mùa vào tháng Mười xong, các cánh đồng vào mùa khô hạn. Để tránh đất gan gà khô cứng, đồng ruộng nhanh chóng được cày vỡ, rồi cuối kỳ heo may, khi những tảng đất cày lên se trắng mép là cả nhà, cả làng ra đồng xếp ải. Mẹ tôi bảo một hòn đất ải bằng một nải phân. Tôi nghe không hiểu, mẹ bảo đồng ruộng quê mình thuần thứ đất gan gà, sục xuống nửa gang tay là gặp đất sét, muốn cây lúa tốt được ngoài phân chuồng phân xanh bón ruộng, ông bà đã nghĩ ra cách xếp ải. Tức là xếp những hòn đất cày chồng chéo nhau thành hàng thành lối. Nắng gió làm cho những luống đất xếp khô trắng, ải ra, đến mùa cấy dẫn nước vào ruộng, những luống đất ải khô xốp ấy đổ xuống liền tơi nhuyễn, vừa làm tốt đất, vừa đỡ công cày bừa, rễ lúa mà bén vào đất ải thì chẳng gì sánh bằng.
Sau này lớn lên tôi mới biết, đất ải chính là dưỡng chất thiên nhiên trong đất phơi ải được tạo nên bởi nắng hanh, mưa phùn, gió bấc. Với nông dân còn gì vui hơn khi trên ruộng nhà mình thấy những hàng đất xếp ải tự diệt cỏ, tự làm phân, tự làm bùn ngấu từ khi chưa có nước. Còn gì vui hơn khi các nhà đổ ra đồng náo nức cho dòng nước dẫn vào ruộng để đổ ải. Trong trời đất tháng chạp se lạnh, trong háo hức của trẻ, của già, tiếng sèo sèo, sủi bọt từ những hàng đất xếp luống khô xác nổi lên, rồi những hàng đất đó tự đổ, tự bở, chỉ một lúc sau mặt ruộng đã lấp lánh ánh nước, cho vài đường bừa mặt ruộng đã phẳng như gương, bước chân trên mặt ruộng đã cảm nhận được mùi rữa nát của từng gốc rạ, mùi hoai hoai của bùn. Sau này, trong thời kỳ hợp tác xã phát triển, hệ thống thủy lợi dần hoàn thiện và chủ động được tưới tiêu, đồng ruộng được thâm canh lên hai vụ rồi ba vụ, đất đai không được nghỉ ngơi, phân hóa học lấn át phân hữu cơ, việc cày ải, đổ ải dần mai một và cho đến nay thì đồng ruộng khắp vùng hầu như không còn không khí dẫn nước vào ruộng ải nữa, tiếc lắm thay.
Lại nói về lúa chiêm. Sau năm 1954, Bộ Canh nông nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khảo sát vùng đồng bằng Bắc Bộ, ghi được 49 giống lúa chiêm, 80 giống lúa mùa. 49 loại lúa chiêm ấy tôi không được biết hết, song tôi nhớ vùng tôi có lúa tẻ, tẻ bầu, chiêm di, dự, chiêm bảo. Gạo tẻ hạt trắng, cơm nhiều nhựa. Gạo tẻ bầu hạt to, màu nâu đỏ, cơm rất cứng, ăn kỹ no lâu. Gạo dự cơm mềm thơm nức mũi. Gạo chiêm di, chiêm bảo gạo hạt to, màu trắng đục, cơm thơm, càng nhai càng bùi...
Cái đặc biệt là những loại lúa chiêm sống được trên đồng đất quê tôi xưa trước tiên phải chịu được hạn, được úng. Hạn nứt lọt bàn tay vẫn có thể kết đòng. Cây lúa ngâm nước cả tháng vẫn có thể kết hạt. Bởi vào khoảng từ cuối tháng Ba, tức là sau những trận mưa ra giữa vụ thì đồng ruộng quê tôi đều ngập sâu trong nước nên loại lúa tẻ nào muốn sống được cũng phải cao ngang ngực người hoặc ngập đầu người. Vào mùa nước, người đánh vật với đói giáp hạt, với “nước ngập bờ tre trăng vàng đầu ngõ/Đôi mắt buồn thăm thẳm tháng Ba trôi”, lúa đánh vật với nước để ngoi lên, để kết hạt.
Và nữa, năm nào thuận thì đi thắt ống quần chống đỉa gặt lúa bằng liềm, lúa thành gối lên trốc rạ để bốc lên thuyền nan, gặp năm nước lụt phải bì bõm trong biển nước ngập đến ngang ngực, bì bõm lấy lưỡi hái quơ lượm từng bông lúa ngoi ngóp bỏ vào thuyền. Câu “xanh nhà còn hơn già đồng” chắc xuất xứ từ đồng đất quê tôi.
Vậy đó, người dân quê tôi dễ thích nghi với thiên nhiên khắc nghiệt, cây lúa quê tôi dễ thích nghi với đồng đất lúc khê lúc úng. Khi làm đất thì làng xóm chúng tôi nhắc nhau “Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”. Khi đồng khê ruộng nẻ thì chúng tôi rủ nhau: “Lúa khô nước cạn ai ơi/Rủ nhau tát nước, chờ trời còn lâu”. Để làng cấy đúng mùa vụ thì nhắc nhau: “Lúa cấy tháng chạp đạp không đổ”, “Đói thì ăn củ, ăn khoai/chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng”, “Lúa trổ thanh minh thì vinh cả xã, lúa trổ lập hạ buồn bã cả thôn”, “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Được mùa thì đừng quên công ơn của trời đất: “Nhờ trời được chữ bình yên/Rơm thì lên đống thóc chiêm vào bồ”…
Vào những năm 60 của thế kỷ hai mươi, đồng đất quê tôi được lột xác từ cuộc cách mạng thủy lợi của đất nước.Trong những năm bắt đầu xây dựng hợp tác xã nông nghiệp đó, nếu không có chủ trương đúng của Đảng, không có sức người sức của tập trung thì không biết bao giờ vùng quê tôi mới thoát khỏi nạn úng ngập, khô hạn. Có chủ động được tưới tiêu thì vụ xuân mới vào được quê tôi. Loại lúa xuân sinh trưởng không quá một trăm hai mươi ngày đã thay thế loại lúa chiêm sinh trưởng tới trên dưới hai trăm ngày, đưa năng suất lúa từ hơn hai tấn một ha lên bốn đến năm tấn một ha. Rồi còn thêm một vụ đông. Rồi mương máng dọc ngang cánh đồng, ruộng liền bờ, ruộng bám tận chân tre… từ một vùng chiêm thối mùa khê “đất không nuôi nổi người” năng suất, sản lượng lúa trên đồng đất quê tôi có thể sánh ngang với bất kỳ vùng quê nào trên đất nước…
Hôm nay, làng lên phường, thôn nên phố nhưng đối với thế hệ chúng tôi hồi ức xưa thật khó phai…
Nhận xét
Đăng nhận xét