Tương lai của người già

Kết quả hình ảnh cho Tương lai của người già


Việc người già gần hết sức lao động vẫn phải đi làm để có tiền mưu sinh không lạ. Hơn 70% số người cao tuổi tại Việt Nam vẫn phải lao động kiếm sống, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Còn theo bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người trong số đó sống ở khu vực nông thôn. Trên 40 % trong số họ sau khi nghỉ hưu vẫn phải tiếp tục làm việc để duy trì cuộc sống.
Trong hai con số quá chênh lệch nhau ở trên, không biết số nào gần với sự thật hơn. Tuy nhiên, bức tranh tổng thế cho thấy, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Có hai triệu người thuộc nhóm từ 80 tuổi trở lên. Dự báo đến năm 2030, người cao tuổi chiếm 17 % và năm 2050 là 25 % tổng dân số Việt Nam.
Thực ra, người già còn sức khỏe để mưu sinh là chuyện mừng, bởi lao động cũng là niềm vui. Vấn đề là có rất nhiều người già, không còn sức vẫn phải lao động, hay vì không có bảo hiểm và các khoản tiền già đủ sống nên trở thành gánh nặng lệ thuộc con cháu, xã hội, hoặc tự bươn bải trong khó khăn. Một cụ từng nói với tôi: "Già, bệnh, nếu không chết liền, phải nằm một chỗ thì con cháu có thương mấy, đến lúc cũng bất hiếu".
Tuy việc bạo hành cha mẹ đã được đưa vào luật hình sự để răn đe, nhưng chiều sâu hơn của vấn đề là các chế độ an sinh cả về tinh thần và vật chất cho người già cũng như nhận thức chung của xã hội về nhóm người già chưa đầy đủ. Đơn giản nhất, nhiều nước có đường dây nóng để bảo vệ người già nhưng ở Việt Nam thì không. Bất cứ khi nào bị ngược đãi, các ông bà cụ đều có thể gọi báo ngay với nhà chức trách. Chúng ta cũng gần như chưa có các chương trình, lớp học giúp người lớn tuổi thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, hoạt động tư vấn về sức khỏe tinh thần và thể chất trên diện rộng, các sinh hoạt giúp người già bớt cô đơn, lạc nhịp với cộng đồng.
Tùy nơi chính sách của nhà nước từ lúc "tròn 80 tuổi" được nhà nước hỗ trợ "tiền già", 300.000 đồng mỗi tháng.
Con người ta dễ chông chênh khi bước vào tuổi già, trong đó có hình ảnh của chúng ta ở thì tương lai không xa. Vì vậy, sắp xếp cho người lớn tuổi một tương lai đủ an tâm ít nhất ở mức cơ bản là bài toán được mong mỏi giải quyết ngay, công bố công khai và thống nhất như một chính sách quốc gia. Đã đến lúc người Việt không nên bám vào câu "trẻ cậy cha, già cậy con" để mặc định đó là một "chính sách" với người già.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến