Chuyện Ngắn về Cha

Ba
Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi.
Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:
- "Có dư đồng nào không con?".
Tôi đáp:
- "Còn dư bốn ngàn ba ạ".
Ba nói tiếp:
- "Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa".
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng.

Những Đôi Chân
Mới giữa tháng, Kiên đã gởi thư về xin thêm tiền. Ba thở dài xoa đầu đứa con út:
- Thôi, để một thời gian nữa mới tính chuyện mua xe đạp cho con vậy nhé!
Nhưng, cả năm bị mất mùa. Cả nhà gồng gánh hết sức mới tạm đủ tiền cho Kiên, nói chi đến việc mua một chiếc xe đạp cho đứa con út.
Tết, Kiên đóng bộ thật bảnh về nhà. Ba mẹ và em mừng rỡ ra đón. Kiên tháo đôi giầy ra, và chợt nhìn xuống chân: chân ba mẹ nứt nẻ vì công việc nhà nông vất vả, chân em sần sùi, đen đủi vì phải lội bộ gần chục cây số đến trường hàng ngày. Chỉ có chân Kiên trắng hồng.

Con... Trượt Rồi Bố Ạ
 
Hương không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt của bố. Nó cắm đầu đi vào nhà. Ngang qua chỗ mẹ nằm, nghe những tiếng thở khò khè khó nhọc, nó không cầm được nước mắt.
 
Bữa cơm tối dọn ra nhưng bố con nó chưa ăn vội. Từ ngày mẹ bị bệnh, mâm cơm nhà nó bao giờ cũng chỉ có hai người. Bố bón cho mẹ bát cháo xong rồi hai bố con mới ăn.
 
Bữa cơm tối nay có cá kho, bố đánh dưới ao lên nhưng nó ăn không thấy ngon. Hình như bố cũng vậy.
 
- Không đỗ thì ôn thi tiếp. Con đừng buồn, nhìn con buồn bố nản lắm.
 
Nó quay lại nhìn bố với đôi mắt ướt:
 
- Con hết buồn rồi, bố đừng lo.
 
Đêm, nó trằn trọc không ngủ được. Khó khăn lắm, mẹ mới chợp mắt nên nó không muốn tiếng trở mình của nó làm mẹ thức giấc. Nó sờ tay lên tường, mảng tường đã bong tróc chỗ lồi, chỗ lõm khiến bàn tay nó ram ráp. Nó nghĩ đến giấc mơ dở dang của mình...
 
Nhưng nếu nó đi học thì bố mẹ sẽ thế nào đây? Bố lấy đâu ra tiền để vừa lo thuốc thang cho mẹ lại vừa lo cho nó học đại học. Bác sĩ đã bảo bệnh của mẹ sẽ khỏi nếu kiên trì chữa trị. Mẹ đã hy sinh rất nhiều cho nó. Nó không muốn mẹ phải hy sinh cả sự sống của mình chỉ để cho nó được học đại học. Với nó, mạng sống của mẹ quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời.
 
- Bố à, chắc sang tháng sau con lên phụ giúp dì Hoa bán hàng cho... đỡ buồn.
 
Nó nhìn bố thăm dò. Thực ra là nó đang nói tránh cái điều mà nó nghĩ: phải đi làm để có tiền đỡ đần cho bố. Sau một hồi suy nghĩ, bố đặt tay lên vai nó, giọng chùng xuống:
 
- Cũng được con ạ.
 
Nó lên phố bán hàng, bỏ lại phía sau những nỗi niềm và những giọt nước mắt. Cửa hàng của dì nó ở vị trí trung tâm thành phố, lại là đại lý lớn nên rất đông khách. Bận bịu với việc bán hàng, nó cũng quên đi nỗi buồn. Tiền ăn ở dì lo, còn tiền công tháng dì bảo nó gửi về quê cho bố mẹ. Cầm những đồng tiền đầu tiên kiếm được, nó thấy quyết định của nó thật có ý nghĩa, nhất là khi gọi điện về thấy bố khoe:
 
- Bệnh của mẹ tiến triển nhiều rồi con ạ.
 
Rồi một ngày, bố đột ngột xuất hiện ở cửa hàng với khuôn mặt của một người đang cố chịu đựng:
 
- Tại sao con lại nói dối bố?
 
Bố dằn từng tiếng một rồi chìa tờ giấy báo điểm đậu đại học mà nó đã cố giấu. Nó nhìn thấy trong mắt bố là cả một sự kiềm nén ghê gớm, nên câu trả lời của nó cũng trở nên đứt quãng:
 
- Con... xin lỗi bố... nhưng bố ơi, làm thế nào mà con có thể đi học được khi mẹ đang bệnh? Làm thế nào mà con có thể để bố một mình vật lộn để vừa chăm mẹ vừa nuôi con học đại học. Con rất mong được vào đại học, nhưng lúc này con cần phải làm những việc quan trọng hơn. Đợi đến khi mẹ khỏi bệnh con sẽ lại học tiếp, con sẽ vào đại học bố ạ, chỉ là đi sau các bạn vài bước thôi.
 
Lần đầu tiên trong đời, nó nhìn thấy bố khóc, đôi mắt ầng ậc nước.
 
 
Đi thi
Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: “Nhờ Ba mày mát tay”. Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô Ú t – cấp II, cấp III, tú tài, đại học – Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.
… Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi “Hội thi sức khỏe người cao tuổi”. Má nhìn Ba ái ngại: “Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả”.
Buổi tối, má hỏi: “Ông thi sao rồi?”. Ba cười xòa bảo: “Rớt!”

Bộ quần áo cũ
Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh là chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết. Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội... ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì lý trí nhiều hơn tình cảm, thiếu sự cảm thông.
Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng:
-Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.
-Nhưng bố thích mặc bộ này!
-Nhưng mặc như thế đến chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê không chăm sóc bố.
Ông già buồn rầu, lập lại:
-Bố thích bộ quần áo này lắm.
Tôi cũng cương quyết:
-Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.
Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn như vậy:
-Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn. Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra nghĩa trang bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui với nhiều cảm xúc khi mặc nó.
Nước mắt ông già hoen trên mi, lăn xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ.

Câu Chuyện Trái Tim
“Gửi con gái yêu của bố, nếu con đang đọc bức thư này, điều đó có nghĩa là mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp đúng như những gì bố nói với con. Con từng hỏi bố sẽ tặng gì cho con nhân dịp sinh nhật 15 tuổi. Khi ấy bố chưa nghĩ ra nhưng giờ bố đã biết. Món quà sinh nhật cho con là TRÁI TIM của bố”.

Ngọn nến không cháy
Trong thành phố nọ có hai cha con sống với nhau rất vui vẻ, hạnh phúc. Một hôm, đứa bé gái chẳng may bị bệnh và ra đi mãi mãi. Người cha quá đau khổ, tuyệt vọng, quay lưng lại với tất cả mọi người. Ông chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Ông tự nhốt mình trong phòng và khóc mãi.
Một hôm, ngưòi cha ngủ thiếp đi và ông mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, ông gặp một đoàn người rước đèn. Tất cả ngọn đèn đều lung linh toả sáng, trừ ngọn đèn của đứa bé cuối. Đứa bé ấy cầm một ngọn nến không được thắp sáng. Nhìn kỹ hơn, ông nhận ra đứa bé ấy chính là đứa con gái bé bỏng của mình.
Ông tiến lại gần và hỏi con rằng: "Tại sao nến của con lại không cháy?". Bé gái đáp rằng: "Con đã cố lắm nhưng không được cha à! Mỗi lần con thắp lên ngọn nến thì những giọt nước mắt của cha lại dập tắt hết ngọn nến của con".
Đến đó thì người cha choàng tỉnh. Từ đó, ông lấy lại thăng bằng, lại sống vui vẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh bởi ông không muốn những giọt nước mắt của ông lại dập tắt ngọn nến hi vọng của con ông.
Nước mắt chỉ có thể xoa dịu phần nào chứ không thể làm tan biến hoàn toàn nỗi mất mát lớn lao. Hãy cứ khóc khi bạn cần, nhưng hãy đứng lên vững vàng bạn nhé! Bởi ngoài kia, đâu đó, ở một nơi nào đó, người thân của bạn đang nhìn bạn mỉm cười.

Tô mì
Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ khuôn mặt, ánh mắt cậu lại toát lên nét của người có học, dường như cậu vẫn đang là học sinh..
Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: "Cho hai bát mì bò!", cậu nói to. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi xua ra dấu, chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, nói rất nhỏ, chỉ làm 1 bát mì cho thịt bò, bát kia không cần thịt chỉ cần rắc chút hành là được. Tôi chợt hiểu, cậu ta gọi to là cố tình để cho người cha nghe nhưng thực ra không đủ tiền nhưng lại không muốn cho cha biết. 
Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì có thịt trước mặt cha: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi." Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.
Cứ lặp đi lặp lại như vậy, như thịt trong bát của người cha nhiều lắm, gắp mãi vẫn còn. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt." Ông lão cảm động nói. Tôi là chứng kiến một vài miếng thịt mỏng te được gấp qua gắp lại giữa hai tô mì của cha con. Được một lúc người con nói: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này."
"Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất bổ lắm đấy."
Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, do bà chủ bảo, cậu Trương đầu bếp mang lên một đĩa thịt bò vừa thái đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt vội vàng hỏi lại: "Anh để nhầm bàn rồi thì phải? Chúng tôi không gọi thịt bò." Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: "Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỷ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng." Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.
Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha.Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt theo hai cha con rời quán. Mãi khi tôi thu bát đĩa mới khám phá ra dưới đáy bát của cậu con trai những tờ giấy bạc đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được ghi trên bảng giá của cửa hàng. Tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến