Đa nghi và cả tin đều là bệnh


Trong cuộc sống, bên cạnh những người rất dễ tin, chúng ta còn gặp rất nhiều người hay đa nghi, ít chịu tin hoặc không tin vào bất cứ điều gì. Cả hai đều là bệnh. Vậy, tại sao chúng ta hay đa nghi, ít tin vào người khác?
Trước hết, ít chịu tin vì chính mình hay nói dối. Thật sự, người hay nói dối thường ít tin ai vì “suy bụng ta ra bụng người”. Như vậy, gặp những người hay đa nghi, chúng ta phải cẩn thận, không chừng người ấy là chuyên gia nói dối. Trong lịch sử Trung Quốc, có một nhân vật nổi tiếng đa nghi. Đó là Tào Tháo. Sở dĩ đa nghi đến nổi khi chết đi, phải xây 72 ngôi mộ giả rải rác khắp nơi để người đời không quật mộ trả thù được vì lúc sống, ông ta là một kẻ bị cho là nhiều thủ đọan tuyệt gian (bên cạnh Lưu Bị tuyệt nhân, Quan Công tuyệt nghĩa, Trương Phi tuyệt dũng, và Khổng Minh tuyệt trí).
Người dễ tin vì tính tình thật thà, hiền lành. Người thật thà, không bao giờ biết nói dối thường rất dễ tin người vì nghĩ ai cũng thật thà như mình. Đây cũng là một bệnh nguy hiểm. Ảnh minh hoa.
Trường hợp khác, có người ít chịu tin vì có tính kiêu mạn. Đó là mẫu người ai nói gì cũng không chịu nghe, luôn cho rằng ý nghĩ của mình là hay hơn, là đúng hơn, người khác không thể bằng mình. Người như vậy rất khó thành công trong cuộc đời.
Trường hợp thứ ba, ít chịu tin vì không đủ trí tuệ phán đoán. Chúng ta gặp nhiều người vì không nhận ra điều người khác nói là đúng hay sai nên không dám tin chắc chắn. Nếu có đủ trí tuệ phán đoán, trước lời nói của người khác, chúng ta sẽ biết được điều đó đúng hay sai để có một niềm tin, một thái độ đúng đắn.
Ví dụ, có một người đến nói với chúng ta là cần tiền để cất chùa nên đi quyên góp. Nhìn vẻ ngoài, có thể không nhận biết họ nói thật hay không, chúng ta phải có cách kiểm tra. Chẳng hạn, hỏi Thầy tên gì? Chùa Thầy ở đâu? Chùa tên gì ? Sau đó, chúng ta có thể điện thoại đến địa phương xem có chùa đó hay không, chùa đang xây dựng như vậy phải không vv…Chúng ta phải kiểm tra trước khi đặt niềm tin để tránh khỏi sai lầm. Trong trường hợp này, vội tin hay vội nghi đều sai nên cần phải kiểm tra cẩn thận.
Cả tin và đa nghi đều là bệnh, chúng ta cần phải tránh để đừng mắc phải. Ảnh minh họa.
Ngược lại, trong cuộc sống còn có nhiều người rất dễ tin, vì sao?
Trước hết, người dễ tin vì tính tình thật thà, hiền lành. Người thật thà, không bao giờ biết nói dối thường rất dễ tin người vì nghĩ ai cũng thật thà như mình. Đây cũng là một bệnh nguy hiểm. Vì cuộc đời không đơn giản như chúng ta nghĩ, có rất nhiều người dối trên lừa dưới, lừa thầy, phản bạn. Nếu quá tin người, chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho cuộc đời mình.
Cũng có trường hợp dễ tin vì nghiệp đời trước hay dụ người khác. Ví dụ, có người trước kia thường hay dụ dỗ trẻ con để lấy đồ của, tiền bạc. Vì gieo nhân đó nên kiếp sau họ bị người khác lừa mà vẫn tin một cách mê muội, không nhận ra được. Đó là do nghiệp báo của quá khứ. Hiểu như vậy, sống ở đời, chúng ta đừng bao giờ lừa dối ai, dù là việc rất nhỏ.
Cũng có trường hợp dễ tin vì yếu lòng. Có người mắc “bệnh” yếu lòng nên ai nói gì cũng nghe, cũng tin. Đó là người không có lập trường vững chắc với lẽ phải, không có trí tuệ phán đoán.
Tóm lại, cả tin và đa nghi đều là bệnh, chúng ta cần phải tránh để đừng mắc phải. Nói về niềm tin, một nhà thơ Nga nổi tiếng đã khẳng định:
"Trong chúng ta, ai là người đau khổ nhất?
Đau khổ nhất là người chẳng ai tin.
Trong chúng ta, ai là người đau khổ nhất?
Đau khổ nhất là người chẳng tin ai".




Nhận xét

Bài đăng phổ biến