Nghịch lý quả trứng con gà
Nghịch lý quả trứng con gà
Suốt nhiều thế kỷ qua, câu hỏi “Con gà có trước hay quả trứng
có trước” vẫn là một bí ẩn đối với các nhà triết học cũng như các nhà khoa học
trên toàn thế giới. Tôi cho là con gà, con gà đẻ ra quả trứng. Nhưng bạn tôi lại
cho là quả trứng trước, vì quả trứng mới nở ra con gà rồi mới có con gà đẻ ra
quả trứng. Thật rắc rối nhỉ!
Thường thì những gì khoa học đã giải đáp, ta rất có lòng
tin. Vì khoa học là thực nghiệm. Nhưng cũng chính từ khoa học mà ta từng có khá
nhiều đáp án cho một câu hỏi. Chúng ra đời theo sự tiến hóa của khoa học và thường
thì câu trả lời sau mang tính phủ định câu trả lời trước. Như từng có thời cà
phê được đánh giá là tốt cho sức khỏe con người, nhưng sau đó cà phê được cho
là có giá trị ngược lại. Vì sao có việc ấy? Vì kết luận của khoa học không dựa
vào lý tánh để nói mà dựa vào tính qui nạp các hiện tượng xuất hiện trong thực
tế mà kết luận. Do qui nạp các thực nghiệm mà chúng ta có các giá trị kết luận
tương ưng. Song cái gọi là “thực tế” ấy lại khá muôn màu muôn vẻ, nên kết quả
trở thành nhiều, tùy theo cái duyên mà các nhà khoa học đã qui nạp.
Theo Phật học, việc có những câu trả lời nghịch lại như thế,
không có gì ngạc nhiên. Vì mọi thứ lệ thuộc vào duyên. Mà duyên thì rơi vào nhị
biên phân biệt. Ít nhất là có hai mặt đối nghịch cho một vấn đề, mà với cái
nhìn của Phật học, chính mặt đối nghịch đó là thế giúp các cặp nhị biên hiện khởi
và tồn tại. Như Phật và chúng sinh, đạo và đời, xấu và đẹp, trước và sau v.v…
Với cái nhìn của Phật học, những gì thuộc hiện tượng thì
không mang tính phổ quát, vì thế không có giá trị khẳng định cho mọi trường hợp.
Chúng ta chỉ có thể khẳng định giá trị của pháp trong một duyên nào đó mà thôi.
Nghĩa là khi ta nói xấu, nói tốt, nói trước, nói sau thì giá trị ấy không mang
tính toàn bộ để có thể khẳng định. Việc khẳng định chỉ tồn tại trong duyên (điều
kiện, trường hợp) mà thôi.
Con gà và quả trứng, Phật học lý giải là không thể khẳng định gà có
trước hay trứng có trước. Vì một khi đã khẳng định, cũng có nghĩa là ta đã gắn
cho chúng một giá trị phổ quát mang tính chính xác mọi lúc và mọi nơi. Không
bao giờ có một giá trị khẳng định phổ quát cho các pháp ở thế giới này. Bởi cái
có thể phổ quát thì “không”, không tướng, không có ngôn từ cũng không có giá trị
nào có thể nói về nó. Cái có giá trị để khẳng định thì chỉ tồn tại ở mặt hiện
tượng. Song hiện tượng thì theo duyên. Duyên thay đổi thì pháp thay đổi, giá trị
của pháp cũng theo đó mà thay đổi. Không thể có một giá trị phổ quát để khẳng định.
Chúng ta chỉ có thể nói trong cái duyên gà đẻ ra trứng thì gà có trước. Trong
cái duyên trứng cho ra gà thì trứng có trước. Giá trị trong duyên là như vậy,
không mang tính phổ quát để có thể khẳng định gà luôn có trước hay trứng luôn
có trước.
Nhận xét
Đăng nhận xét