Chạp mả



 Kết quả hình ảnh cho Chạp mả"
Tục chạp mả là sự thể hiện ở Nam-Kỳ cho thấy sự "Tri ân" đối với các đấng tiên nhơn đi trước, thể hiện tình nghĩa bá tánh với nhau "nghĩa tử là nghĩa tận", coi trọng người khuất "sự tử như sự tồn".
     Tại Nam-Kỳ tục chạp mả hiểu như là tảo mộ vào tháng chạp, có người kêu là giẫy mả, lại có người kêu là lo mả Tết,... nhưng chung qui là cách tảo mộ cúng kiếng ông bà, tu bổ mồ mả cho đẹp đẽ hầu đón tết nghinh xuân vậy.
     Gia-Định thành thông chí chép "Ở Gia Định, vào tháng cuối năm thường lo chạp phần mộ tổ tiên, việc ấy là vưng theo quốc điển, vì cho rằng gần tiết Nguyên đán, nhà cửa mọi người còn trang hoàng cho khang trang, huống chi cái lễ con cháu thờ người chết cũng như khi còn sống, chẳng lẽ ngồi xem cây cỏ rậm rạp, dơ dáy, mồ mả sụt lở mà không đắp sửa. Tuy đời xưa không có lễ tế mộ, nhưng lễ là do nghĩa mà ra, xem ở Trung Hoa có lễ Thanh minh tảo mộ, thì nước ta làm lễ tảo mộ trong tháng chạp cũng là phải nghĩa hơn"
     Việc ấy được là theo Quốc-Điển, quốc-điển là điển lễ nhà nước thường xưa căn cứ theo các sách lễ, lễ nghi trào đình mà thêm giảm bắt chước theo. Theo Châu lễ cuối năm có lễ Lạp-Tế để dưng các món phẩm vật cúng kiếng hầu kết thúc một năm làm việc do đó lại có người coi như là cúng tất niên [hết năm], căn cứ theo quốc điển nước ta vào đời Nguyễn ngày 22 tháng chạp, Hoàng Đế làm lễ cáp hưởng, thân đi tết Miếu trong kinh sư rồi mạng lịnh cho thân công đại thần đi bái yết các nơi sơn lăng miếu mạo ở kinh kỳ.
     Ta thấy dân Nam-Kỳ xưa thường tuân theo nhiều điển lễ Nho giáo cũng như Quốc-điển trào-đình, việc chạp mả này thường đến ngày 25 là dứt, coi như các công việc lo về vòng ngoài của ngày Tết tap để đó, các nơi đình quán làm lễ Tiễn Ông, lúc này người dân bắt đầu phần công việc tu sửa, quét dọn bên trong căn nhà của mình để kịp ngày 30 rước ông bà.
     Chạp mả lấy ngày 25 làm chuẩn, hết ngày này là xong không lo việc bên ngoài nữa, nhiều nhà có dòng họ lớn, mồ mả nhiều nên tranh thủ tầm trung tuần tháng chạp là đã giẩy mả từ từ rồi, thông thường ở Nam-Kỳ xưa cho đến nay ngày làm mả tùy theo gia cảnh, thói quen của nhà đó, nhưng vẫn ngày 25 là dứt.
     Tục này mang hàm ý đẹp đẽ, uống nước nhớ nguồn thực coi là nồng hậu lắm, giúp con cháu không quên nguồn cội, biết chung tay làm việc nghĩa, việc chung [dọn dẹp mồ mả không chủ không nhang] đúng là cái chơn tình làm nồng ấm thêm tình người.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến