Nước trong quá thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi: Tại sao muốn thành công thì đừng làm người tốt?
Nếu bạn là người tốt nhưng chưa thành công trong cuộc sống, đây là những lời khuyên hữu ích dành cho bạn
Machiavelli là một nhà tư tưởng chính trị thế kỷ 16 của Florentine, nước Ý. Tư tưởng của ông xoay quanh một hiện thực đau lòng: chiến thắng thường thuộc về kẻ xấu. Những kẻ ấy có lợi thế hơn hẳn người tốt: sẵn sàng thực hiện những mưu mô xảo quyệt nhất để sự nghiệp được thăng tiến. Không gì có thể cản trở được chúng, kể cả những nguyên tắc – kẻ thù số một của sự thay đổi. Chúng không ngại bẻ ngoặt hay bóp méo sự thật, đe dọa và bạo lực với những kẻ ngáng đường. Chúng khôn khéo dùng lời mật ngọt khi cần, dắt mũi con mồi, khiến nó cảm kích và trở nên mụ mị.
Người tốt thường có nghĩa là những người hành xử hợp đạo lý. Người ấy không chỉ được hưởng một kết thúc có hậu, mà còn được giao ước về một cuộc sống sung túc. Anh ta phải thắng cuộc bằng lý lẽ đúng đắn, chứ không phải là lừa đảo, nếu muốn xã hội trở nên đúng đắn hơn. Hoặc nếu muốn một xã hội công bằng, anh ta không được đe dọa những kẻ bất công, mà phải nhẹ nhàng và thận trọng thuyết phục chúng tự nguyện bỏ cuộc. Và để mọi người đối xử tốt với nhau, anh ta phải đối xử tốt với chính kẻ thù của mình, mà không phải là sự độc ác.
Quả là những điều tuyệt vời. Nhưng Machiavelli không nhắm mắt cho qua một vấn đề hiển hiện: Đấy rặt là những điều ảo tưởng. Nhìn lại lịch sử Florence và các thành bang của nước Ý, ông nhận định rằng những vị vua, chính khách và thương nhân chính trực bao giờ cũng thất bại.
Đó là lý do tác phẩm mang tên Quân Vương được ra đời, ghi dấu ấn tên tuổi của ông. Ngắn gọn, độc đáo và sâu sắc - cuốn sách chứa đựng thuật cai trị dành cho các vị vua. Câu trả lời ngắn gọn chính là: hãy trở nên tử tế như anh muốn, nhưng không bao giờ tử tế quá mức; phải biết vay mượn mọi thủ đoạn khi cần, giống như những kẻ xấu xa nhất, đê tiện nhất, vô liêm sỉ và kinh tởm nhất trong lịch sử.
Chúng ta sở hữu một nỗi ám ảnh phản tác dụng, và Machiavelli biết nó từ đâu đến. Ấy là câu chuyện của Kitô giáo về Chúa Giêsu. Ngài là một người tuyệt vời đến từ Galilee, luôn luôn đối xử tốt với người khác. Ngài cai trị sự vĩnh hằng, là vua trên muôn vua, chúa trên muôn chúa.
Câu chuyện về Ngài là câu chuyện về chiến thắng nhờ sự chịu đựng của lòng tốt. Nhưng từ góc độ thực tế, câu chuyện tình cảm này chỉ chứa toàn bất lợi. Nếu anh phải chịu cùng những gì Chúa Giêsu đã chịu – bị đem ra xét xử và đóng đinh trên thập tự giá – nhưng anh không có bất kỳ sự giúp đỡ thần thánh nào, thì đời anh chính xác là một thảm họa. Vâng, anh chính là kẻ thua cuộc bậc thầy của lịch sử.
Bí quyết để có được hiệu quả nằm ở việc khắc phục tất cả vết xe đổ của chuyện này. Không như người ta thường nghĩ, Quân Vương không phải là sách giáo khoa đào tạo bạo chúa. Đó là lời dạy về những gì người tốt nên học hỏi từ bạo chúa. Cuốn sách nói về tính hiệu quả chứ không nói về lòng tốt, nó dẫn chứng rất nhiều về sự bất lực của đức hạnh.
Một Quân vương đáng kính, hay một CEO, một chính trị gia hoặc một nhà tư tưởng – là những người nên học mọi thứ từ những kẻ quỷ quyệt nhất. Họ phải khiến kẻ dưới nể sợ, phải thành thạo những kĩ năng lừa phỉnh, phải biết đặt bẫy và đánh lừa kẻ thù. Một chính trị gia giỏi phải học tập từ những kẻ mị dân, một doanh nhân giỏi phải noi theo những kẻ lừa đảo.
Chúng ta không phải là những gì ta muốn trở thành, mà là tất cả những gì ta đã đạt được. Anh sẽ chẳng đi đến đâu, nếu chỉ quan tâm và hành động theo lẽ phải, những điều tốt đẹp và đứng đắn.
Chúng ta phải tiếp thu những bài học từ một nơi không ngờ: những kẻ mà ta coi thường nhất. Chúng ta cần thứ vũ khí bằng chất lượng thép giống như của họ. Họ dạy ta nhiều điều nhất để mang về viễn cảnh ta khao khát – nhưng đó cũng là những gì họ tranh đấu.
Cuối cùng, ta nên quan tâm đến tính hiệu quả hơn là một mục đích cao cả. Chỉ ước mơ thôi là không đủ. Thước đo thực sự phải là những gì ta đã làm được. Vấn đề là để đổi lấy một thế giới tốt đẹp hơn, đừng sống trong sự nâng niu mềm mại của một trái tim ấm áp và những mục đích tốt đẹp.
Đó là tất cả những gì Machiavelli biết.
Ông khiến chúng ta bối rối là có mục đích tốt – là để chỉ cho ta thấy mình đang ở đâu so với cái đỉnh của sự thực dụng. Chúng ta tự nhủ rằng mình không leo được đến đó vì ta quá mức thuần khiết, tốt bụng và tử tế. Machiavelli mạnh mẽ tuyên bố rằng, chúng ta chỉ đang mắc kẹt, vì đã quá thiển cận, vì đã không chịu học hỏi từ những người thực sự hiểu biết: kẻ thù của chúng ta.
Nhận xét
Đăng nhận xét